Ngôn ngữ

Story | 12 Tháng 5, 2022

Khám phá ba cụm đảo tại Kiên Giang

Trong khuôn khổ dự án: “Bảo vệ các hệ sinh thái ven biển đồng bằng sông Cửu Long” do Cơ quan Phát triển Hoa Kỳ (USAID) tại Việt Nam tài trợ, IUCN và Sở Nông nghiệp Phát triển Nông thôn tỉnh (NN&PTNT) Kiên Giang đã hợp tác thực hiện chuyến khảo sát đánh giá nhanh tại ba cụm đảo tại biển Tây Nam nằm giữa đất liền và đảo Phú Quốc, là quần đảo Nam Du, Bà Lụa và Hải Tặc.

Vùng biển Tây Nam được đánh giá là một trong những khu vực có đa dạng sinh học biển và nguồn lợi thủy sản phong phú nhất, với các hệ sinh thái biển đặc thù và rất quan trọng như thảm cỏ biển, rạn san hô, rừng ngập mặn và là nơi cư trú của nhiều loài động vật quý hiếm có nguy cơ bị tuyệt chủng như bò biển, cá Nược Minh Hải, Vích, Đồi mồi. Nhằm tăng cường bảo vệ các hệ sinh thái biển và khai thác nguồn lợi thủy sản bền vững, dự án dự kiến sẽ hỗ trợ địa phương thành lập các Khu bảo vệ Nguồn lợi thủy sản. Các Khu bảo vệ Nguồn lợi thủy sản đã được quy định trong Luật Thủy sản sửa đổi năm 2017 và Thông tư hướng dẫn số 19/2018/TT-BNNPTNT, có thể được tỉnh thành lập.

Satellite image of 3 cluster island in Phu Quoc NPPhoto: Satellite image of 3 cluster island in Phu Quoc NP © IUCN Viet Nam

Hiện tại có rất ít các nghiên cứu, khảo sát về hệ sinh thái và đa dạng sinh học tại ba cụm đảo này, IUCN và Sở NN&PTNT Kiên Giang, cùng với Tổng cục Thủy sản, Viện nghiên cứu Quy hoạch Thủy sản, WWF Việt Nam đã thực hiện chuyến khảo sát tổng quan ba ngày tới ba cụm đảo, mỗi một đảo là một quần thể các đảo rất nhỏ bao quanh các đảo nhỏ. Khởi hành từ Rạch Giá, nhóm đánh giá di chuyển bằng tàu cao tốc =do Sở NN&PTNT Kiên Giang hỗ trợ, đã rút ngắn thời gian di chuyển rất nhiều.

Quần đảo Nam Du có hệ sinh thái rạn san hô phân bố rải rác xung quanh các đảo, trong đó khu vực phát triển tốt và nguyên vẹn là Hòn Ông, Hòn Nồm, Hòn Bờ Đập, Hòn Mấu và Hòn Dầu. Tại khu vực quần đảo Bà Lụa có sự phân bố của cả rạn san hô và thảm cỏ biển. Ba Hòn Đầm là địa điểm có thảm cỏ biển lớn nhất với diện tích khoảng 40ha, chủ yếu là Enhalus acoroidesThalassia hemprichii độ phủ lên đến 90%. Khu vực Hải Tặc thảm cỏ biển phân bố chủ yếu ở hòn Tre Nhỏ, loài phổ biến là Cymodocea serrulateThalassia hemprichii với diện tích khoảng khoảng 16 ha. Các loài cỏ biển này là các loài phổ biến nhất tại khu vực Tây Nam, có kích thước lớn tạo ra sinh cảnh cho các loài sinh vật biển như cá và động vật đáy, đồng thời chúng cũng là nguồn thức ăn cho Bò biển và Vích.

Enhalus acoroides in Ba Hon Dam islandPhoto: Enhalus acoroides in Ba Hon Dam island © IUCN Viet Nam

Qua tiến hành phỏng vấn, trao đổi với lãnh đạo và người dân địa phương, đoàn công tác đã rút ra một số nhận xét như sau:

Thứ nhất, các hệ sinh thái biển tại khu vực này đều tương đối nguyên vẹn, nguồn lợi thủy sản vẫn còn phong phú đặc biệt là Ghẹ xanh và Bạch tuộc, đáp ứng nhu cầu cao của địa phương và khách du lịch.

Thứ hai, đang có sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế từ khai thác thủy sản sang nuôi trồng thủy sản (nuôi biển). Công ty Australis, một công ty của Hoa Kỳ (https://www.thebetterfish.com/), hiện đang thực hiện dự án nuôi biển quy mô lên đến 2.000 ha tại quần đảo Nam Du với công nghệ tiên tiến, nuôi cá Chẽm xuất khẩu. Các hộ nuôi cá nhân có quy mô nhỏ và sản phẩm chủ yếu là Cá Mú (Grouper), Cá Giò (Cobia) để xuất khẩu sang Trung Quốc.

Thứ ba, khai thác thủy sản xuyên biên giới giữa Việt Nam và Campuchia là vấn đề nổi cộm. Ngư dân Việt Nam đánh bắt ở Campuchia đã bị phạt, trong khi ngư dân Campuchia đánh bắt trong vùng biển Việt Nam chỉ bị nhắc nhở. Mặt khác, phương tiện sử dụng lưới kéo đáy của ngư dân Việt Nam gây hại ở đáy biển nhiều hơn so với tàu Campuchia sử dụng lưới ghẹ. Cuối cùng, tại cả ba cụm đảo, lãnh đạo bốn xã đều nhận thấy nhu cầu cấp thiết phải thành lập Khu vực bảo vệ Nguồn lợi thủy sản, hệ sinh thái biển tại địa phương theo Luật Thủy sản. Trước đây, một Khu bảo vệ Nguồn giống Sò Lụa với diện tích 500 ha tại Bà Lụa đã được thành lập năm 2018 nhưng không thành công vì bị ngư dân từ các địa phương khác khai thác trái phép mà không có biện pháp phù hợp để bảo vệ. Vấn đề này không chỉ diễn ra tại Bà Lụa mà còn phổ biến ở các địa phương khác tại Việt Nam: khi chính quyền địa phương không thể ngăn chặn các hoạt động đánh bắt trái phép, ngư dân địa phương bị mất quyền lợi và khu bảo tồn sẽ không thể hoạt động.