Họp Ban chỉ đạo Sáng kiến Liên minh Hạ Long Cát Bà
Ngày 5/5/2015, IUCN tổ chức cuộc họp Ban chỉ đạo lần thứ nhất Sáng kiến Liên minh Hạ Long – Cát Bà tại thành phố Hạ Long. Đây là sáng kiến do USAID tài trợ, được khởi xướng vào tháng 4/2014 với mục đích tăng cường sự hợp tác giữa nhà nước, doanh nghiệp và các tổ chức xã hội dân sự để giải quyết các vấn đề môi trường tại Vịnh Hạ Long. Sáng kiến này dựa theo mô hình Liên minh Vịnh Chesapeake (https://allianceforthebay.org/) được thành lập năm 1971 nhằm thúc đẩy quan hệ đối tác nhiều bên để bảo vệ Vịnh Chesapeake và môi trường sông suối xung quanh khu vực Vịnh.
Ban đầu Sáng kiến có tên Sáng kiến Vịnh Hạ Long, sau đó bổ sung thêm Cát Bà vào tên của sáng kiến căn cứ vào thực tế Vịnh Hạ Long và quần đảo Cát Bà cùng chung một hệ sinh thái biển. Trên thực tế, khi Di sản Thiên nhiên Thế giới Vịnh Hạ Long (WHS) được đề cử vào năm 1994, IUCN – tổ chức tư vấn kỹ thuật chính thức của UNESCO về Di sản Thiên nhiên Thế giới đã đề xuất nên mở rộng bao gồm cả Cát Bà. Việc mở rộng Di sản Thiên nhiên Thế giới bao gồm cả quần đảo đã được IUCN đề xuất chính thức bằng văn bản và, 21 năm sau, chúng ta có cơ hội để biến điều này thành hiện thực.
Ban chỉ đạo của Sáng kiến, sẽ gặp hai lần trong một năm, bao gồm đại diện từ phía Chính phủ và lãnh đạo các doanh nghiệp. Các cuộc họp sẽ đưa ra định hướng và hỗ trợ về mặt chính trị cho Liên minh đối với các vấn đề chính sách quan trọng. Cuộc họp đầu tiên này do Phó chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ninh và Đại sứ Hoa Kỳ Ted Osius chủ trì. Đại diện lãnh đạo cấp cao của thành phố Hải Phòng cũng tham dự. Về phía doanh nghiệp có sự tham gia của các nhân sự cấp cao đến từ General Electric, Grant Thornton, và ba doanh nghiệp du thuyền lớn nhất đang hoạt động tại Vịnh: Bhaya, Indochina Junk, và Du thuyền Paradise.
Trong bài phát biểu khai mạc, đại sứ Hoa Kỳ đã nói (http://vietnam.usembassy.gov/ambspeech-050515.html): "Để giải quyết các vấn đề môi trường chúng ta cần có sự tham gia của cả chính quyền và doanh nghiệp thực hiện trách nhiệm của chính họ. Các công ty đang kinh doanh sử dụng nguồn nước tại Vịnh Hạ Long và Cát Bà cần phải đảm bảo hoạt động của họ không gây nguy hiểm đến nguồn tài nguyên này. Việc tuân theo luật bảo vệ môi trường nên được xem là việc tối thiểu cần phải làm. Đối với các du thuyền, nhà nước cần khuyến khích đầu tư công nghệ sạch thông qua việc nâng cao tiêu chuẩn môi trường, tạo lợi thế cạnh tranh cho các doanh nghiệp. Nhà nước cần phải đảm bảo phí người sử dụng chi trả được tái đầu tư – và người dân nhìn rõ được việc tái đầu tư này – vào công tác quản lý môi trường.”
Tổng kết tiến độ dự án, bà Bùi Thị Thu Hiền cán bộ IUCN đã trình bày kết quả phân tích các bình luận trong 12 tháng qua trên TripAdvisor. Hàng ngày, trung bình có 2-3 người đóng góp ý kiến phản hồi về Vịnh Hạ Long (cho đến nay có tổng số 3.500 ý kiến đóng góp) và những ý kiến này chính là những nhận xét xác thực nhất về trải nghiệm của du khách. Hầu hết của các du khách đều ấn tượng trước vẻ đẹp tuyệt vời của Vịnh nhưng trải nghiệm này bị hạn chế bởi mức độ ô nhiễm và quá tải của Vịnh. Theo ý lời của một du khách thì “Vừa quá tuyệt nhưng cũng vừa quá tệ cùng một lúc”
Trong bài trình bày của Ông Tim Badman, Giám đốc Chương trình Di sản Thế giới của IUCN đã chỉ ra rằng Vịnh Hạ Long không chỉ là Di sản Thiên nhiên Thế giới mà là một trong những điểm đến du lịch nổi tiếng trên thế giới. Vịnh cũng đang phải đối mặt với nhiều thách thức. Hàng năm kể từ năm 1994, Ủy ban Di sản Thế giới đều yêu cầu Việt Nam nộp báo cáo hiện trạng bảo tồn, và báo cáo sắp tới sẽ phải nộp vào năm 2016. Một chuyến công tác gần đây của đoàn IUCN đã nhận định địa phương đã đạt được tiến bộ nhất định trong rất nhiều vấn đề Ủy ban nêu ra, bao gồm giải quyết tình trạng lấn biển ở khu di sản, giảm ô nhiễm do làm đường, khai thác than và các hoạt động trên biển khác. Tuy nhiên, chính quyền địa phương cần phải có thêm nhiều động thái khác để giải quyết những vấn đề còn lại để đảm bảo Vịnh Hạ Long luôn được biết đến như điểm đến hàng đầu trên thế giới. IUCN cũng đưa ra những hướng dẫn rất cụ thể về những việc cần làm để hỗ trợ mở rộng thành công Vịnh Hạ Long bao gồm cả quần đảo Cát Bà.
Liên minh ban đầu sẽ tập trung vào 500 thuyền du lịch đang hoạt động trên Vinh. Những thuyền này xả ra nước xám (nước thải từ hoạt động tắm rửa), nước đen (từ nhà vệ sinh) và nước la canh (là nước chứa dầu và thải từ phòng động cơ). Những công ty với công nghệ tiên tiến nhất không thải trực tiếp nước thải ra biển đồng thời đem tất cả những chất thải rắn lên bờ để tái chế, tái sử dụng, đốt, hoặc ủ phân bởi một đơn vị tiếp nhận được cấp phép. Chúng ta cũng cần áp dụng tương tự đối với Vịnh Hạ Long.
Ken Atkinson, chủ tich điều hành của Grant Thornton Việt Nam, một trong những công ty tư vấn doanh nghiệp độc lập hàng đầu trên thế giới, đồng trưởng Ban Cố vấn Du lịch Việt Nam đã trình bày về xu hướng du lịch tại Việt Nam. Số lượng các du khách quốc tế đã tăng đáng kể từ vài trăm ngàn khách vào năm 1990 đến 7.9 triệu khách vào năm 2014. Tuy nhiên, chưa đến 5% trong tổng số du khách này quay lại Việt Nam so với con số dự tính 50% của Thái lan, điều này cho thấy Việt Nam đã mất đi một cơ hội lớn bởi Việt Nam cũng có nhiều tiềm năng du lịch về thiên nhiên và văn hóa như Thái lan. Điều Ông Ken miêu tả về “chính sách thắt chặt thị thực lỗi thời” sẽ không giúp gì mà vấn đề lớn ở đây chính là yếu kém trong quản lý. Những ý kiến trên TripAdvisor đã chỉ ra rằng du khách sẵn sàng chi trả cho việc ở lâu hơn để có được những trải nghiệm mà ở đó nước sạch hơn và không bị quá tải khách du lịch. Thời gian của các chuyến du lịch và mức độ chi tiêu của họ là thước đo sự thành công chứ không phải là số lượng khách du lịch.
Ông James Hardcastle đến từ IUCN Thụy Sỹ cũng trình bày các phương án xây dựng chương trình chứng chỉ theo tiêu chuẩn du lịch bền vững để đảm bảo môi trường được bảo vệ. Điều này cũng có nghĩa sẽ xây dựng một hệ thống công nhận và khen thưởng cho những công ty du lịch có các hoạt động tốt và tích cực bảo vệ môi trường. Một hệ thống như vậy sẽ do Hội đồng Du lịch Bền vững Toàn cầu (https://www.gstcouncil.org/) cấp chứng chỉ và được kiểm toán độc lập. Mô hình này có thể áp dụng trên khắp Việt Nam nhưng ban đầu có thể được xây dựng và triển khai tại Vịnh Hạ Long. Chương trình này đề ra tiêu chuẩn hoạt động tối thiểu mà tất cả các thuyền đang hoạt động tại Vịnh phải tuân theo và có mức độ ghi nhận cao hơn đối với các thuyền có khả năng đáp ứng các tiêu chuẩn cao hơn. Chúng ta không cần phải bắt đầu từ con số không mà có thể áp dụng linh hoạt những mô hình chứng chỉ du thuyền và các công ty du lịch lữ hành hiện có tại Galapagos, Maldives và Hawaii cho Vịnh Hạ Long.
Đại diện từ Bhaya (https://www.bhayacruises.com/), một trong những doanh nghiệp du thuyền lớn nhất, cho biết công ty rất ủng hộ chương trình chứng chỉ và muốn tham gia như là một đối tác để xác lập ra những tiêu chuẩn này. Indochina Junk (http://www.indochina-junk.com/) và Du thuyền Paradise (https://www.paradisecruises.vn/en/index.html) cũng muốn tham gia. Tất cả ba công ty này đã lắp đặt hệ thống xử lý nước thải tiên tiến và sẵn sàng đầu tư hơn nữa nhưng với điều kiện có sự chung tay từ phía nhà nước.
Đại sứ Osius chỉ ra rằng mấu chốt quan trọng để nâng cao chất lượng nước tại Vịnh Chesapeake là quyết định nâng cấp hệ thống xử lý nước thải của các bang xung quanh vịnh. Tại Maryland, mỗi hộ gia đình chi trả $5/một tháng để nâng cấp 66 nhà máy xử lý nước thải của bang. Vì đây không phải là bài toán chi phí và lợi ích đối với các doanh nghiệp du thuyền tại Hạ Long khi lắp đặt hệ thống xử lý nước thải của riêng họ nên cần có sự vào cuộc của nhà nước. Như vây, mô hình hợp tác công tư nhằm cung cấp cái mà các chuyên gia kinh tế thường gọi là “hàng hóa công cộng” - là điều không thể thiếu được. Nếu Ban quản lý Vịnh Hạ Long được phép giữ lại nhiều hơn 18% phí tham quan vịnh hiện nay, thì ban có thể dễ dàng đầu tư xây dựng một nhà máy xử lý nước thải như vậy và thu phí xử lý chất thải từ doanh nghiệp kinh doanh du thuyền để trang trải chi phí vận hành.
Đại diện của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng đưa ra ý kiến cần phải áp dụng các quy định môi trường nghiêm ngặt hơn và Phó chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ninh cũng thừa nhận rằng xử phạt hành chính đến nay vẫn chưa hiệu quả. Bà cũng cho biết thêm Chính phủ sẽ treo giấy phép hoạt động của các doanh nghiệp không tuân thủ quy định về xử lý nước thải.
Kết thúc cuộc họp, Đại sứ một lần nữa nhấn mạnh việc cải thiện chất lượng môi trường nước – và nâng cao chất lượng du lịch của du khách – tại Vịnh Hạ Long là trách nhiệm chung cần có sự chung tay hành động của cả nhà nước, doanh nghiệp và mỗi công dân.
Đại sứ cũng chứng kiến lễ ký kết Biên bản Hợp tác giữa tỉnh Quảng Ninh, thành phố Hải Phòng và IUCN. Ba bên cam kết hợp tác trong một số các hoạt động sắp tới bao gồm xây dựng hệ thống chứng chỉ du thuyền được quốc tế công nhận, và hỗ trợ công tác chuẩn bị tái đề cử Vịnh Hạ Long bao gồm quần đảo Cát Bà.