Ngôn ngữ

Story | 24 Tháng 5, 2022

Cam kết COP26: Thời khắc quan trọng vì tương lai của Việt Nam

Tại hội nghị COP26 Việt Nam đã đưa ra các cam kết với một chương trình nghị sự đầy tham vọng nhằm xây dựng một nền kinh tế các-bon thấp bằng cách ngừng xây dựng các nhà máy sử dụng năng lượng than và chuyển đổi sang năng lượng sạch. Đây là một sự khác biệt đáng kể so với các kế hoạch năng lượng hiện nay và cũng là dấu hiệu cho thấy Việt Nam đã đưa ra quyết định chính trị để chuyển sang một cơ cấu năng lượng đa dạng hơn và ít sử dụng các-bon hơn. Thông qua việc này, Việt Nam cũng tạo ra cơ hội giảm thiểu các mối đe dọa đối với Đồng bằng sông Cửu Long bằng cách nhập khẩu điện từ CHDCND Lào, loại trừ các đập thủy điện có rủi ro cao và ưu tiên nhập khẩu từ các nhà máy năng lượng mặt trời, gió và thủy điện ít có tác động.

content hero image

Photo: Sekong river tributary in Cambodia © IUCN Viet Nam

Chi tiết cam kết xem tại đây: https://datawrapper.dwcdn.net/9XNqG/2/  

Tại hội nghị COP26, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh cần đặt biến đổi khí hậu và quản lý môi trường làm trọng tâm của phát triển kinh tế. Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ký một cam kết do Vương quốc Anh đứng đầu nhằm đẩy nhanh quá trình chuyển đổi năng lượng sạch và ngưng sử dụng than đá. Những cam kết này được xây dựng trong bối cảnh sự bùng nổ gần đây về năng lượng mặt trời và điện gió và nhu cầu đảm bảo khả năng cạnh tranh của Việt Nam trong một thế giới có năng lượng các-bon thấp và mang tính bền vững về môi trường là chìa khóa để thu hút đầu tư nước ngoài. Năm 2020, Đảng Cộng sản Việt Nam đã thông qua Nghị quyết số 55 về “Định hướng Chiến lược Phát triển Quốc gia của Việt Nam đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045” tạo cơ sở chính trị cho việc Việt Nam chuyển đổi sang năng lượng tái tạo.

Việc Việt Nam cam kết không xây dựng các dự án điện than mới trừ những dự án đã và đang phát triển đòi hỏi phải có những thay đổi sâu rộng. Hiện nay, điện than chiếm khoảng 1/3 tổng công suất năng lượng và một số dự án đã và đang được xây dựng. Dự thảo Quy hoạch phát triển điện 8 vào tháng 10 năm 2021 đã đề xuất bổ sung 41.000 MW điện than vào năm 2030. Trong đó, chỉ 30.000 MW được tính vào các dự án hiện có hoặc đang xây dựng. Do đó, Việt Nam cần tìm 11.000 MW nguồn năng lượng điện thay thế không dùng than. Để có đủ nguồn cung này đòi hỏi phải đầu tư nhiều vào khí đốt tự nhiên, năng lượng tái tạo và nhập khẩu điện.

Xem thông tin về các dự án điện than được quy hoạch tại đây: https://datawrapper.dwcdn.net/Gxhii/3/

Về khả năng mở rộng năng lượng tái tạo trong thập kỷ tới: Việt Nam đã triển khai tăng lượng điện từ năng lượng mặt trời từ mức gần bằng 0 vào năm 2017 lên đến 18.000 MW vào cuối năm 2021. Những khó khăn, thách thức chủ yếu liên quan đến vấn đề kỹ thuật như lưu trữ, truyền tải năng lượng và mức độ an toàn của lưới điện. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất lại nằm ở quy chế. Cho đến nay, thành công của Việt Nam trong việc mở rộng năng lượng mặt trời và gió được thúc đẩy bởi nguồn tài chính trong nước và khu vực. Nhưng để bổ sung 18.000 MW và thậm chí cao hơn con số này đòi hỏi Việt Nam phải huy động nguồn tài chính quốc tế, vốn đang bị loại khỏi thị trường bởi các điều khoản của thỏa thuận mua bán điện (PPA) trong đó có mức độ rủi ro cao về giá cả và làm e dè các nhà đầu tư phát triển. Các quỹ quốc tế chỉ đầu tư khi thỏa thuận mua bán điện PPA có thể bảo đảm từ ngân hàng.

Xem thông tin về phát triển năng lượng mặt trời qua từng năm tại đây: https://datawrapper.dwcdn.net/iCV06/1/

Kế hoạch của Việt Nam nhằm đáp ứng nhu cầu điện trong tương lai đó là tăng nhập khẩu năng lượng từ CHDCND Lào. Điều này có thể được thực hiện theo những cách có thể thúc đẩy hoặc đe dọa sự toàn vẹn của sông Mê Công, con sông có vai trò là nền tảng cho năng suất nông nghiệp và thủy sản đặc biệt trong khu vực. Vấn đề nằm ở chỗ Việt Nam sẽ đầu tư hoặc mua điện từ những dự án đảm bảo các con sông vẫn chảy tự nhiên và tránh đầu tư vào các dự án thủy điện có khả năng gây tác động xấu đến môi trường. Một dự án thủy điện của Lào có khả năng gây tác động lớn đến môi trường là đập Sê Kông A, do công ty Sông Đà của Việt Nam xây dựng. Đập này sẽ chặn dòng sông Sê Kông, là phụ lưu chính chảy tự nhiên cuối cùng của sông Mê Kông do đó sẽ dẫn đến tác động tiêu cực đến nguồn cá trong khi đập thủy điện này chỉ có công suất 86 MW. Bằng cách lựa chọn một cách chiến lược các dự án thủy điện có tác động thấp hơn hoặc các nhà máy khai thác năng lượng mặt trời và gió ở Nam Lào, Việt Nam có thể tăng nhập khẩu điện trong khi tránh các tác động không cần thiết đến nông nghiệp và thủy sản.

Xem thông tin giới thiệu vị trí của đập Sekong A tại đây: https://datawrapper.dwcdn.net/qfJmB/1/

Cơ hội tăng nhập khẩu năng lượng phi thủy điện ngày càng lớn. Việt Nam và CHDCND Lào đã tiến hành đàm phán về thỏa thuận thương mại xuyên biên giới đầu tiên về năng lượng gió trong ASEAN, tạo tiền lệ cho thương mại trong khu vực về năng lượng mặt trời và gió khi Lưới điện ASEAN hình thành.

Campuchia, CHDCND Lào và Việt Nam có cơ hội phối hợp lập kế hoạch và đầu tư năng lượng để giúp cả 3 nước này đạt được an ninh năng lượng đồng thời giảm thiểu chi phí xã hội và môi trường. Một nghiên cứu của IUCN và Trung tâm Stimson về các lựa chọn năng lượng trên các lưu vực sông Sekong-Sesan-Srêpôk cho thấy hợp tác quốc tế về quy hoạch năng lượng là rất quan trọng để tối đa hóa lợi ích chung.

Xem tiềm năng năng lượng mặt trời và gió cho Việt Nam – Lào – Camphuchia tại bản đồ bên dưới.

 

Wind and solar power potential Photo: Wind and solar power potential © the Stimson Center

Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ giới thiệu một loạt bài viết về cách Việt Nam có thể thực hiện các cam kết năng lượng COP26 đồng thời giảm thiểu các tác động đến môi trường. Các bài viết này sẽ nói về các khoản tài trợ quốc tế cho năng lượng tái tạo, hòa lưới điện, vai trò của gió trong cơ cấu điện của Việt Nam, thương mại điện năng giữa Việt Nam – Lào - Campuchia, và tại sao việc cứu con sông Sekong lại quan trọng như vậy.

Đây là bài viết thứ nhất trong loạt bài do IUCN và Trung tâm Stimson sản xuất thuộc khuôn khổ dự án BRIDGE (Nâng cao năng lực Quản trị và Đối thoại các Dòng sông) do Cơ quan Hợp tác Phát triền Thụy sỹ tài trợ. Đây là dự án toàn cầu về ngoại giao nguồn nước do IUCN điều phối thực hiện tại 15 lưu vực sông xuyên biên giới bao gồm sông Mê-Công. Để xem các bài viết khác, vui lòng xem link bên dưới: 

#2: https://iucn.org/vi/news/viet-nam/202205/dap-sekong-a-va-dong-bang-song-cuu-long-thoi-diem-quyet-dinh-cho-viet-nam

#3:  https://iucn.org/vi/news/viet-nam/202205/mo-rong-nguon-tai-chinh-quoc-te-cho-qua-trinh-chuyen-doi-nang-luong-tai-tao-cua-viet-

#4: https://iucn.org/vi/news/viet-nam/202205/mo-rong-dien-gio-trong-hop-dien-cua-viet-nam-co-hoi-va-thach-thuc

#5: https://iucn.org/vi/news/viet-nam/202205/tich-hop-he-thong-luoi-dien-cho-nang-luong-tai-tao

#6: https://iucn.org/vi/news/viet-nam/202206/regional-cooperation-electricity-trade