Ngôn ngữ

Story | 29 Th11, 2016

IUCN tái khẳng định cam kết nỗ lực chống nạn buôn bán trái phép động, thực vật hoang dã tại Hội nghị cấp cao tại Việt Nam

Hà Nội, Việt Nam, ngày 21 tháng 11 năm 2016 — Hội nghị Hà Nội về Chống buôn bán trái pháp phép các loài động vật, thực vật hoang dã, đã diễn ra vào ngày 17 và 18 tháng 11 với sự tham gia của các nhà lãnh đạo trên thế giới nhằm tìm giải pháp ngăn chặn tình trạng buôn bán trái phép động, thực vật hoang dã và bảo vệ hiệu quả các loài có nguy cơ tuyệt chủng cao.

 

Tổ chức của chúng tôi tiếp tục cam kết đẩy lùi nạn buôn bán trái phép các loài động, thực vật hoang dã và giảm thiểu tác động của tình trạng này đối với thiên nhiên và con người. Hội nghị này là một bước tiến quan trọng thể hiện nỗ lực của tất cả chúng ta và IUCN xin chân thành cảm ơn Chính phủ Việt Nam và Vương quốc Anh đã tổ chức sự kiện này,” Ông Zhang Xinsheng, Chủ tịch IUCN phát biểu tại ngày đầu của Hội nghị.

IUCN tin tưởng mạnh mẽ rằng cộng đồng người dân địa phương có thể, và nhất định phải tham gia vào phòng chống nạn buôn bán trái phép các loài động, thực vật hoang dã. Đây không phải là một thông điệp mới nhưng vấn đề này vẫn tiếp tục bị lãng quên, nhất là trong bối cảnh các chương trình hoạt động chủ yếu tập trung vào tăng cường thực thi pháp luật và giảm thiểu nhu cầu tiêu thụ động, thực vật hoang dã”.

Ông Zhang cũng cho biết thêm để xác định yếu tố dẫn đến sự thành công trong việc thúc đẩy sự tham gia của cộng đồng vào phòng chống buôn bán động, thực vật hoang dã, IUCN đang tiến hành các nghiên cứu khoa học và tổng hợp các bài học kinh nghiệm nhằm tìm ra những điều kiện nào sẽ góp phần tăng cường hiệu quả sự tham gia của cộng đồng và làm thế nào để hiện thực hóa những nội dung này.

Với những kiến thức về những điều kiện cần và động lực tham gia, chúng ta có thể đưa ra các hướng dẫn và tham vấn chuyên môn cho các bên liên quan, và thúc đẩy hơn nữa các cơ hội huy động sự tham gia của cộng đồng địa phương vào phòng chống buôn bán trái phép động, thực vật hoang dã.”, ông Zhang nói.

Ông Zhang cũng đã có buổi làm việc với Tiến sỹ Trần Hồng Hà, Bộ trưởng, Bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam, để thảo luận đề xuất hợp tác với Bộ trong khuôn khổ Quỹ Khí hậu Xanh (GCF) mà IUCN tham gia và chương trình hoạt động hợp tác với Tổng cục Biển & Hải đảo.

Bên cạnh đó, ông Zhang đã gặp mặt Ông Hà Công Tuấn, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam và tham gia các cuộc họp với các tổ chức thành viên của IUCN tại văn phòng IUCN Việt Nam nhằm thảo luận tăng cường các cơ hội hợp tác cũng như thực hiện Chương trình hoạt động trong giai đoạn 2017 – 2020 của IUCN.   

Săn bắt và buôn bán động vật, thực vật hoang dã là những vấn đề rất phức tạp và là nguyên nhân dẫn đến sự tuyệt chủng của các loài động thực vật quý hiếm và có nguy cơ tuyệt chủng,” Bà Aban Marker Kabraji, Giám đốc IUCN Khu vực Châu Á nói. Những hoạt động này đang gây ra những tác động tiêu cực tới tài nguyên thiên nhiên và các cộng đồng người dân sống tại các khu vực nông thôn, trong khi lại tiếp tay tạo ra những khoản lợi nhuận khổng lồ cho các băng đảng tội phạm quốc tế và góp phần làm gia tăng các rủi ro cho sức khỏe của cộng đồng.

Các giải pháp cho vấn nạn toàn cầu này rất đa dạng và phức tạp. Cần phải có một cách tiếp cận tổng hợp và thực tế tác động tới toàn bộ chuỗi buôn bán bao gồm bảo tồn các quần thể và sinh cảnh của các loài động thực vật hoang dã, quản lý bền vững các hoạt động buôn bán đúng pháp luật, giảm thiểu nạn săn bắt, tăng cường lập pháp và hành pháp, ngăn chặn buôn bán trái phép xuyên biên giới và giảm nhu cầu tiêu thụ các loài động, thực vật trái phép trên thị trường ” Ông Zhang cho biết thêm trong bài phát biểu của mình.

Ông Zhang cũng nói rằng IUCN luôn nhấn mạnh tầm quan trọng của các cơ sở dữ liệu dựa trên khoa học về tình trạng của các loài và các quần thể. "Báo cáo của IUCN về Tình trạng Voi Châu Phi năm 2016 đã được các bên tại Hội nghị Các bên lần thứ 17 của CITES sử dụng để làm cơ sở đưa ra các quyết định về bảo tồn và quản lý các loài voi Châu Phi."

IUCN kêu gọi sự hỗ trợ của các nhà tài trợ để tiến hành các khảo sát và đánh giá quần thể các loài động vật và thực vật – được biết đến hoặc được cho rằng phải chịu tác động nghiêm trọng từ việc săn bắt và buôn bán trái phép” ông Zhang bổ sung.

Hội nghị Hà Nội về Chống buôn bán trái pháp phép các loài động vật, thực vật hoang dã tái khẳng định sự hỗ trợ tích cực của cộng đồng quốc tế trong phòng chống các tội phạm săn bắt và buôn bán động, thực vật hoang dã. Vấn đề bây giờ chỉ là Chính phủ các quốc gia trong các khu vực tận dụng những hỗ trợ này như thế nào để thực thi hiệu quả pháp luật quốc gia.” Ông Jake Brunner, Trưởng nhóm IUCN Khu vực Đông Dương và Myanmar chia sẻ sau Hội nghị Hà Nội.

Ngay trước khi Hội nghị Hà Nội diễn ra, IUCN, Nhóm Chuyên gia Sinh kế và Sử dụng Bền vững CEESP/SSC (IUCN SULi), Mạng lưới Giám sát Bảo vệ động vật hoang dã (TRAFFIC), và Nhóm các tổ chức hỗ trợ ICCA (các khu bảo vệ và khu bảo tồn của các cộng đồng địa phương và bản địa) đã phối hợp tổ chức Hội thảo “Không dừng lại ở thực thi pháp luật: Huy động sự tham gia của người dân bản đia và cộng đồng địa phương vào phòng chống buôn bán động, thực vật hoang dã” vào ngày 15 và 16 tháng 11. Hội thảo nhấn mạnh tầm quan trọng của việc huy động sự tham gia của người bản địa và cộng đồng như một tác nhân tích cực trong bảo vệ động thực vật hoang dã, chống lại nạn buôn bán trái phép thông qua việc chia sẻ và kiểm định các kinh nghiệm và nghiên cứu trường hợp tại một số quốc gia ở Khu vực Châu Á và tập trung vào khu vực Hạ Mê Công.   

Trong Đại hội Bảo tồn Thế giới của IUCN mới đây tại Hawai’I, các thành viên IUCN đã thông qua 10 nghị quyết về buôn bán và bảo tồn động, thực vật hoang dã.

Để biết thêm thông tin về Tuyên bố Hà Nội về Buôn bán Động vật Hoang dã, Báo cáo Tiến độ, Tuyên bố của các Trưởng phái đoàn, và ảnh từ Hội nghị Hà Nội, xin vui lòng xem tại đây.